Đại dịch khiến cả thế giới “gồng mình” tiết kiệm lên tới 5400 tỷ USD

Đại dịch khiến cả thế giới “gồng mình” tiết kiệm lên tới 5400 tỷ USD

10/05/2021 0 Trần Quyên 149
3 phút, 39 giây để đọc.

Covid-19 đã tác động không nhỏ đến sinh hoạt và chi tiêu của người dân toàn cầu. Thay vì “đầu tư quá tay” họ chuyển sang hình thức tiết kiệm bền bỉ. Chi tiêu bị bó hẹp và chỉ “rút tiền” cho những thứ thực sự cần thiết.

Đại dịch khiến nhiều người thất nghiệp. Không có thu nhập đương nhiên đời sống cũng giảm sút so với trước đây. Người dân cũng bắt đầu tính toán kỹ lưỡng hơn cho các khoản phí trang trải cuộc sống. Ngoài tiền mua thực phẩm, thuốc men, hay tiền học cho con cái,… các loại tiền dịch vụ giải trí như du lịch, mua sắm làm đẹp,… được cắt giảm triệt để. Tiết kiệm là việc làm đúng đắn và khoa học để có thể duy trì cuộc sống trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.

Mức tiết kiệm tăng thêm 5400 tỷ USD

Các hộ gia đình đã tích trữ hàng nghìn tỷ USD từ đầu đại dịch đến hết tháng 3. Điều này đã tạo nền tảng cho sự bùng nổ tiêu dùng sau này.

Theo Moody’s Analytics, số tiền này tương đương 6% GDP toàn cầu. Mỹ đóng góp nhiều nhất, với 2.600 tỷ USD, tương đương 12% GDP nước này. Anh xếp sau với số tiền tương đương 10% GDP.

5.400 tỷ USD là phần tăng thêm so với số tiền người dân tiết kiệm được nếu đại dịch không diễn ra và hành vi tiết kiệm vẫn như năm 2019, kinh tế trưởng Mark Zandi cho biết. Nhìn chung, số tiền tiết kiệm thêm này chủ yếu nằm tại Bắc Mỹ và châu Âu. Đây là nơi phong tỏa nghiêm khắc nhất và chính sách hỗ trợ của chính phủ cũng hào phóng nhất.

Người dân Mỹ thắt chặt chi tiêu cho những thứ không cần thiết

Nhiều hộ gia đình giàu có, thu nhập không chịu ảnh hưởng từ đại dịch cũng tích lũy tiết kiệm. Số tiền này lẽ ra được chi cho du lịch, giải trí và ăn ngoài. Một yếu tố khác kéo tiền tiết kiệm lên cao là các chính sách hỗ trợ chưa từng có tiền lệ của chính phủ cho người lao động và doanh nghiệp.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng 11/2020 cho biết các chính phủ và ngân hàng trung ương toàn cầu đã công bố 19.500 tỷ USD để kéo kinh tế ra khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái. Các khoản này gồm trả lương và cứu trợ doanh nghiệp. Chính sách giúp nhiều người có tiền tiết kiệm bất chấp suy thoái.

Mức tiêu dùng sẽ tăng chóng mặt sau thời gian “thắt lưng buộc bụng”

Lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, người tiêu dùng được dự báo chi gần 2.000 tỷ USD trong số này. Sức tiêu dùng tăng trưởng mạnh giúp kinh tế toàn cầu bật lại đáng kể. “Sự kết hợp giữa nhu cầu được giải phóng và tiền tiết kiệm tăng đáng kể sẽ tạo ra làn sóng tiêu dùng toàn cầu, khi các nước đạt miễn dịch cộng đồng và mở cửa nền kinh tế”, Zandi cho biết, “Chúng tôi dự báo một phần ba số tiền này được chi ra trong năm nay, bổ sung 2% vào tăng trưởng GDP toàn cầu”.

Dù vậy, hoạt động này có thể châm ngòi lạm phát. Đây là mối lo của các nhà đầu tư và nhà kinh tế học, do nó sẽ khiến các ngân hàng trung ương nâng lãi suất và giảm kích thích sớm hơn dự kiến.

Mức chi tiêu sẽ tăng trở lại sau đại dịch

Dù vậy, Zandi cho rằng tùy tình hình dịch mà người tiêu dùng sẽ chi ít hoặc nhiều hơn con số dự kiến. Các khảo sát đầu tháng này của Fed New York cho thấy các hộ gia đình Mỹ có xu hướng dùng tiền hỗ trợ của chính phủ để tiết kiệm và trả nợ hơn là tiêu dùng.

Có thể thấy, đại dịch đã tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp cũng như đời sống thường ngày của người dân trên toàn thế giới. Nhưng, chúng ta cũng nên hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn khi Covid-19 được đẩy lùi. Đời sống được nâng cấp và trọn vẹn hơn, hướng tới một xã hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Nguồn: vnexpress.net